Bình Thuận có bờ biển dài 192 km với nhiều cù lao gần bờ, gành đá, mũi đá đẹp. Cùng với địa hình với đầy đủ đồi núi, đồng bằng tạo nên nhiều thắng cảnh thiên nhiên hữu tình, Bình Thuận có nhiều đình chùa cổ kính của người Việt, đền tháp cổ người Chăm và chiến khu Lê hồng Phong hào hùng.
Những di tích lịch sử-văn hóa:
Bình Thuận có nhiều di tích lịch sử - văn hóa kiến trúc cổ gồm các đình như: đình Xuân An (Chợ Lầu, Bắc Bình), đình Xuân Hội (Chợ Lầu, Bắc Bình), đình Đức Thắng (Đức Thắng-Phan Thiết), đình Đức Nghĩa (Đức Nghĩa-Phan Thiết), đình Phú Hội (Hàm Hiệp-Hàm Thuận Bắc), đình Tú Luông (Đức Long-Phan Thiết), đình Bình An (Bình Thạnh-Tuy Phong). Ngoài ra còn có khu nhà thờ cụ Nguyễn Thông với Ngọa Du Sào (Đức Nghĩa-Phan Thiết) và mộ chí của ông ở Núi Cố (Phú Hài-Phan Thiết). Tất cả các công trình lâu đời ấy đều có sức hấp dẫn đối với khách du lịch, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đến tham quan.
Di tích lịch sử - văn hóa về kiến trúc cổ người Chăm:
Tháp Chăm chưa được khám phá nhiều về lịch sử, về những bí mật trong kỹ thuật kiến trúc. Đền Tháp Chăm ở Bình Thuận đang đặt ra nhiều yêu cầu đối với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước như các nhóm tháp Pô Đam (Phú Lạc-Tuy Phong), nhóm đền tháp PôShaInư (Phú Hài-Phan Thiết), phế tích tháp Chăm ở Kim Bình (Hàm Thắng-Hàm Thuận Bắc), các tháp Chăm mới phát hiện ở Hàm Phú, Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc).
Về đền thờ thì có: đền thờ Pô Klong Mơh Nai (Lương Sơn-Bắc Bình), bộ sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Chăm và đền thờ Pô Nit (Phan Hiệp-Bắc Bình), đền thờ công chúa Bàng Tranh (Long Hải-Phú Quý). Ngoài ra còn có hệ thống thành lũy như dấu tích ở xã Lương Sơn (Bắc Bình) được xem là công trình kiến trúc quân sự của người Chăm.
Danh lam thắng cảnh và tín ngưỡng:
Hầu như ở địa phương nào của Bình Thuận cũng có cảnh đẹp, trong đó chùa chiền với đặc điểm là nơi thờ Phật yên tĩnh, kết hợp với cảnh trí thiên nhiên độc đáo góp phần tạo nên nhiều thắng cảnh thu hút đông đảo du khách. Nghệ thuật trang trí, điêu khắc trên những pho tượng, các mảng phù điêu, bao lam, thành vọng…đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bộ phận quan trọng cấu thành di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh ở Bình Thuận là những ngôi chùa như: chùa Cổ Thạch còn gọi là chùa Hang (Bình Thạnh-Tuy Phong), chùa Núi Tà Cú (Thuận Nam, Hàm Thuận Nam), chùa Linh Sơn (Vĩnh Hảo-Tuy Phong), Chùa Ông (Đức Nghĩa-Phan Thiết), chùa Phật Quang (Hưng Long-Phan Thiết)…Về mặt tín ngưỡng dân gian thì có: dinh Thầy Thím (Tân Tiến, La Gi), Vạn Thủy Tú (Đức Thắng-Phan Thiết), Vạn An Thạnh (Tam Thanh-Phú quý), lăng Ông Nam Hải…Nói về danh lam thắng cảnh cũng không quên nhắc đến Lầu Ông Hoàng (Phú Hài-Phan Thiết) dù nay chỉ còn sót lại đôi nét cảnh quan không còn lầu các như xưa.
Thắng cảnh lịch sử truyền thống và du lịch về nguồn:
Lọai hình du lịch về nguồn nhằm để khơi gợi, giáo dục sâu đậm mọi thế hệ, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng kháng chiến của nhân dân Bình Thuận. Phục vụ cho loại hình này có: Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận, Trường Dục Thanh-Phan Thiết, các căn cứ kháng chiến Nam Sơn, Đông Giang (Hàm Thuận Bắc), Bắc Ruộng, Lồ Ô (Tánh Linh), khu Lê Hồng Phong, Bàu Trắng (Bắc Bình).
Du lịch biển:
Bờ biển Bình Thuận có nhiều cù lao như : cù lao Câu, hòn Rơm, hòn Bà và ngoài biển khơi có cù Lao Thu (đảo Phú Quý) cùng với những đảo nhỏ xung quanh. Trên bờ có suối Tiên (suối Vĩnh Hảo), đá Ông Địa, các bãi tắm tuyệt vời như Rạng, Thương Chánh, Đồi Dương, Bãi sau Mũi Né, ngãnh Tam Tân, Hòa Thắng, Khe Gà...rất thuận lợi cho việc tắm biển, thả diều, lướt ván.
Du lịch xanh :
Đây là loại hình du lịch khá hấp dẫn, có thể thu hút du khách ngày càng đông đến các điểm sau : suối nước khoáng Vĩnh Hảo, suối Đa Kai (Đức Linh), Thác Bà hoặc các suối chưa khai thác như suối khoáng Văn Lâm, Tân Thuận (Hàm Thuận Nam). Về hồ thì có Biển Lạc-Núi Ông với rừng bảo tồn thiên nhiên, Bàu Trắng với hồ sen bát ngát dưới chân động cát, hồ Sông Quao với rừng núi chiến khu xưa,hoặc thác KReo, đập đá dựng (Hàm Tân).
Thắng cảnh hiện đại :
Khi quy hoạch khu du lịch Hàm Thuận - Đa Mi triển khai đi vào hoạt động sẽ có thêm loại hình du lịch tổng hợp trên các tuyến khép kín. Từ Phan Thiết về hướng Nam đến suối nuớc nóng Tân Thuận, leo chùa Núi Tà Cú, Mũi điện Khe Gà, lên dinh Thầy Thím, vào ngảnh Tam Tân, đến La Gi, hòn Bà. Rồi ngược lên Tánh Linh đến Biển Lạc-Núi Ông, qua Bắc Ruộng, lên Đa Mi-Hàm Thuận, xuống căn cứ kháng chiến Nam Sơn, Đông Giang về hồ Sông Quao, ghé Hàm Phú, Thuận Hòa thăm phế tích tháp cổ người Chăm rồi ghé Phan Thiết.