Phong tục tập quán:
Trải qua bao đời, người dân Bình Thuận nhìn chung vẫn giữ gìn, tôn trọng phong tục, tập quán của tổ tiên. Trong quá trình phát triển, do có sự gần gũi hơn với đồng bào Nam bộ nên người Bình Thuận dần có những đổi thay về lề thói, nếp sống. Mặc dù chiến tranh kéo dài, một số phong tục, tập quán mang bản sắc dân tộc bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng những nét truyền thống nhất vẫn giữ nguyên vẹn cho đến hôm nay.
Đối với quan hệ trong gia tộc, người Bình Thuận vẫn duy trì quan hệ tôn trọng và bình đẳng giữa ông bà, cha mẹ và con cái. Thể hiện rõ ở danh xưng, quan hệ họ hàng nội ngoại, tình thương yêu bao la với con cháu, trong đó đáng quý nhất là tập quán cha mẹ về già luôn sống chung cùng con cháu và con cháu có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ đến cuối đời. Không chỉ quan hệ đầy yêu thương khi sống mà người Bình Thuận còn coi trọng việc thờ phụng ông bà, tổ tiên. Bất cứ gia đình nào cũng đều thờ cúng ông bà, tổ tiên để tưởng nhớ công ơn các bậc sinh thành đối với con cháu. Bàn thờ thường lập ở gian giữa nhà với chân dung và bày biện tươm tất lư hương, chân đèn. Đây là một tập tục truyền thống và đáng quý của không riêng người Bình Thuận mà của mọi gia đình Việt Nam.
Tín ngưỡng, thờ cúng và lễ hội
Phần lớn người Bình Thuận đều thờ cúng tổ tiên, ông bà theo phong tục cổ truyền dân tộc. Trong đó, người Kinh hiện còn giữ một số lễ chính quen thuộc. Mỗi cuối năm âm lịch, có tục cúng “đưa ông Táo về trời” vào ngày 23 tháng chạp. Đặc biệt, vào Tết Nguyên đán ai ai cũng chuẩn bị tiễn năm cũ, đón năm mới, nhất là các lễ rước ông bà vào ngày 30 và đón Giao thừa được xem là thiêng liêng nhất. Trên bàn thờ ngày Tết bao giờ cũng có món măng khô hầm thịt và nhiều hộc cốm nổ. Ngoài ra, người Kinh còn quan tâm đến các dịp Lễ Thanh minh vào tháng 3 âm lịch và Tết Trung Thu, trong đó Tết Trung Thu hiện được tổ chức chu đáo và quy mô và trở thành ngày hội không riêng các em thiếu nhi. Còn việc thờ cúng công cộng, ngoài các lễ cầu an, người Kinh Bình Thuận còn rất coi trọng ngày giỗ kỵ Tiền hiền tại hệ thống đình làng, dinh vạn.
So với người Kinh, các cuộc cúng tế hàng năm của người Chăm là một hệ thống tín ngưỡng với lễ hội diễn ra quanh năm và đều mang tính chất liên quan đến nghề trồng lúa nước. Như các Lễ Rija Nưgar (tống ôn) xua đuổi xui xẻo năm cũ, cầu mong năm mới an lành; Lễ Plao pa xah (điều hòa hoa màu) và Lễ Pơh păng yang (khai mương đắp đập) vào tháng giêng Chăm lịch; Lễ Yôr Yang (cầu đảo) hay Lễ Kap hlâu Krong (cầu mưa thuận gió hòa) tổ chức tại đầu nguồn sông hay đập lớn. Tuy nhiên lớn và quan trọng nhất chính là lễ Băng Katê và Băng Chabur của người Chăm theo Đạo Bà-la-môn để tưởng niệm các Hoàng hậu, công chúa và Nữ Thần Pô Inư Nagar với rất nhiều phần lễ và phần hội đậm màu sắc dân gian truyền thống. Còn người Chăm theo Đạo Hồi có lễ Suk Yâng và Ramưwan. Một trong những dân tộc lớn và có nhiều lễ hội truyền thống độc đáo nữa là người Hoa với tục thờ Thần Thánh như Quan Công (Ông) và Bà Thiên Hậu Thánh mẫu cùng Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh đậm sắc màu và hấp dẫn.
Nghệ thuật dân gian
Đa phần cư dân Bình Thuận từ miệt ngoài vào, nên ngoài phong tục tập quán, văn hóa dân gian, nhất là nghệ thuật dân gian Bình Thuận bắt nguồn từ miền Trung và chiụ ảnh hưởng bởi cư dân bản địa là đồng bào Chăm và các dân tộc miền núi khác. Bên cạnh các loại hình văn học dân gian như: tục ngữ-thành ngữ, ca dao, vè, câu đố, truyện dân gian, truyện cười…mang dấu ấn vùng đất Nam Trung bộ, người Kinh Bình Thuận còn có nghệ thuật biểu diễn dân gian độc đáo. Như hát ru với lối phổ nhạc những bài ca dao lục bát nguyên thể hoặc biến thể; Hò Bả trạo là hình thức sinh hoạt văn hóa có tính chất tín ngưỡng xuất phát từ tục thờ Cá Ông (cá Voi) tổ chức diễn hàng năm vào ngày giỗ Ông và các lễ hội khác như cầu ngư, khai thuyền đầu năm; Hô Bài chòi là thể loại diễn xướng dân gian trên nền tấu vè, tấu thơ…dùng trong các lễ hội dân gian.
Ngoài ra, người Bình Thuận còn có nhiều hoạt động văn hóa đậm đà tính dân tộc, trong đó có trò chơi đánh bài chòi diễn ra trong 3 ngày Tết. Hay Hội đua thuyền truyền thống có xuất xứ là trò chơi dân gian có quy mô lớn của cư dân miền biển. Thoạt đầu đua thuyền diễn ra vào dịp Lễ Hạ nghệ (tức lễ xuống nghề), về sau tổ chức trên sông, trên biển tạo nên nếp sinh hoạt văn hóa rộn ràng trong các dịp lễ hội lớn trong năm. Cũng dùng để vui chơi trong dịp Tết cổ truyền và các lễ hội quan trọng, người Bình Thuận còn có các trò chơi như lô tô, đố thai ngày Tết, hát tập thể, sai sàng…
Kho tàng nghệ thuật dân gian Bình Thuận còn có nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc. Đó là các công trình đình, chùa, miếu mang kiến trúc kế thừa truyền thống của dòng người vào Nam sinh cơ lập nghiệp pha lẫn sự gia công tôn tạo nghệ thuật theo phong cách truyền thống. Hệ thống đình, chùa Bình Thuận lần lượt xây dựng vào thời điểm nghệ thuật kiến trúc đình làng cả nước phát triển đến đỉnh cao vào thế kỷ 17 và đầu 18. Tất cả 43 ngôi chùa và hàng trăm đình làng, lăng vạn đều trở thành những danh lam thắng cảnh nổi tiếng và rất nhiều đã được Nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Ngoài đình, chùa, đền, miếu, nghệ thuật kiến trúc dân gian còn thể hiện trên nhà ở của người dân. Tiêu biểu nhất là nhà rường của các gia đình khá gỉa đến nay đã ngót trăm năm vẫn còn vững chắc. Đa số là nhà ba gian hai chái, kiềng cao, mái ngói âm dương, vách xây gạch ống., khung nhà bằng các loại gỗ bền, chắc và tốt như lim, căm xe.
Di tích lịch sử - văn hóa
Những thiết chế cơ bản của văn hóa làng xã của người Việt Bình Thuận thể hiện ở 3 chức năng là hành chính, tôn giáo và văn hóa. Nổi bật nhất là đình làng thờ Thành Hoàng-vị Thần của làng xã cùng các bậc Tiền hiền, Hậu hiền có công khai cơ, lập ấp, dựng đình. Đình làng còn là nơi bảo tồn khá trọn vẹn những đặc điểm của nền kiến trúc và nghệ thuật trang trí dân gian. Đình làng Bình Thuận có nhiều dạng khác nhau, nhưng chung quy có 2 dạng chính là kiến trúc kiểu nhà kép và tứ trụ. Thể hiện rõ ở một số đình làng như: Xuân An, Xuân Hội, Đức Thắng, Đức Nghĩa, Phú Hội, Tú Luông, Bình An. Cạnh đó là một số dinh vạn thờ thần Nam Hải như Vạn Thuỷ Tú, Vạn An Thạnh, Lăng Ông Nam Hải…
Đối với di tích văn hóa-lịch sử của người Chăm phần lớn chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Ấn Độ, tổng thể bao gồm một ngôi đền chính thờ một bộ Linga Yoni (tượng trưng cho Thần Siva), bao quanh bởi những ngôi tháp nhỏ hoặc công trình phụ. Tháp Chăm xây bằng gạch nung dạng hình vuông, phần trên gần như thu nhỏ lại kêt cấu tầng dưới và nhọn vút lên cao. Hiện Bình Thuận còn lưu lại một số Tháp Chăm là: nhóm đền tháp Pô Tằm, nhóm đền tháp PôShaInư, phế tích Tháp Chăm Hàm Thắng và một số nhóm tháp Chăm mới phát hiện gần đây. Ngoài ra, người Chăm còn một số đền thờ với nét kiến trúc như một ngôi chùa của người Việt và sử dụng vật liệu gạch, gỗ, vôi. Tiêu biểu là các đền thờ Pô Klong Mơh Nai, Pô Nít, công chúa Bàng Tranh.