Đăng Ký :: Đăng Nhập  :: Trang chủ  :: Sơ đồ Web  :: Liên hệ   Tìm Kiếm   
  19 Tháng Tư 2024 ..:: Tin tức - Sự kiện » Tin trong nước ::..

 

Người dùng trực tuyến
People Online Thành viên online:
Visitors Khách: 92
Members Thành viên: 1
Total Users Tổng cộng: 93

Số lượt truy cập

48.752.595

 Xem chi tiết
Hỗ trợ DN tăng cường minh bạch tài chính để tận dụng vốn vay ưu đãi
(Cập nhật: 01/10/2021 14:07:44)

Quỹ SMEDF giúp DN tiép cận vốn với lãi suất khá thấp. Ảnh minh họa

Ngày 30/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) và Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ (USAID LinkSME) tổ chức tọa đàm trực tuyến “Nguồn tài chính ưu đãi hỗ trợ SME phục hồi trong bối cảnh COVID-19”.

Tại toạ đàm, bà Trần Thị Thanh Tâm, đại diện Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) nhận định, dịch COVID-19, đặc biệt là đợt tái bùng phát lần thứ tư vào tháng 4 cho tới thời điểm này, cùng việc triển khai các biện pháp giãn cách xã hội để khống chế dịch bệnh ở một số tỉnh, thành phố, đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa của DN, nhất là các SME.

Theo khảo sát của VCCI, quan ngại lớn nhất của khu vực SME hiện nay chính là những khó khăn do bị thu hẹp thị trường, khó tiếp cận tín dụng do chi phí sản xuất tăng cao. Đồng hành cùng DN vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID-19, giúp DN tiếp cận thêm các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Chính phủ và các cấp, ngành đã triển khai nhiều giải pháp, nhiều chính sách hỗ trợ giúp DN vượt khó. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó có Dự án USAID LinkSME, cũng như với sự tham gia của các ngân hàng thương mại, đã tạo thêm kênh thông tin để giúp các DN dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực.

Tại tọa đàm, ông Bùi Hoàng Tùng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ cho vay của Quỹ Phát triển SME (SMEDF) đã giới thiệu về chương trình cho vay gián tiếp của quỹ. Quỹ SMEDF là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và trực thuộc Bộ KH&ĐT.

Đây là quỹ được tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của SMEDF. Đối tượng hỗ trợ của quỹ gồm các SME khởi nghiệp sáng tạo, DN tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị. Hiện quỹ đang hợp tác với nhiều chuyên gia giúp SME vừa nâng cao khả năng kinh doanh, giảm thiểu rủi ro và hướng đến phát triển bền vững.

DN sẽ có một số thuận lợi, ưu đãi khi vay được vốn từ quỹ này. Theo đó, lãi suất thấp hơn vay trực tiếp từ ngân hàng thương mại. Đáng chú ý, lãi suất cố định hoặc có thể giảm trong thời gian vay vốn. Quỹ tư vấn, hỗ trợ DN chuẩn bị thủ tục, thực hiện quy trình vay vốn, hồ sơ vay vốn được công khai, miễn phí trả nợ  trước hạn.

Các SME có nhu cầu vay vốn có thể nộp hồ sơ tại điểm giao dịch của các ngân hàng nhận vốn cho vay gián tiếp của quỹ trên toàn quốc. Hiện tại có các ngân hàng như BIDV, MB, SHB, HDBank, Bắc Á Bank, Sacombank tham gia. Dự kiến thời gian tới, quỹ sẽ ký hợp đồng khung cho vay gián tiếp với một số ngân hàng thương mại khác. Sau khi ký kết, quỹ sẽ công bố danh sách ngân hàng nhận vốn cho vay gián tiếp của quỹ trên website.

Theo ông Bùi Hoàng Tùng, mức cho vay từ nguồn vốn cho vay gián tiếp của quỹ đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh. Thời hạn cho vay tối đa không quá 7 năm, thời gian ân hạn cho một dự án (vay vốn trung và dài hạn ) tối đa là 2 năm.

“Quỹ đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi với lãi suất cho vay ngắn hạn là 2,16%/năm, trung và dài hạn là 4%/năm. Mức lãi suất này sẽ được giữ cố định trong suốt thời gian vay, thậm chí có thể giảm thêm”, ông Bùi Hoàng Tùng cho biết. Như vậy, với mức lãi suất cho như trên, SMEDF là một trong những kênh hỗ trợ vốn hiệu quả cho các SME trong giai đoạn hậu COVID-19.

Ông Bùi Hoàng Tùng cũng cho biết thêm, hiện quỹ không có quy định về việc phê duyệt cho vay đối với những DN tăng trưởng âm. Nhưng nếu DN chứng minh được tình trạng tăng trưởng âm là do các yếu tố khách quan, như dịch bệnh, đồng thời xây dựng được phương án kinh doanh tốt, được ngân hàng đánh giá là khả thi thì vẫn sẽ nhận được hỗ trợ của quỹ.

Bà Phan Lệ Hà, chuyên gia tài chính của Dự án USAID LinkSME đã nêu ra một số điểm lưu ý mà các DN nhỏ cần tránh khi muốn tiếp cận vốn vay.

Đó là, DN từng có lịch sử phát sinh nợ xấu, hạn chế về năng lực quản trị tài chính, báo cáo tài chính không rõ ràng, minh bạch, phương án kinh doanh không khả thi, hay tài sản đảm bảo không đủ điều kiện nhận của các tổ chức tài chính... Chính những tồn tại này đã giảm khả năng tiếp cận tài chính và kéo dài thời gian vay vốn của DN.

Việc phát triển năng lực tiếp cận tài chính sẽ mở ra nhiều cơ hội thành công tiếp cận nhiều nguồn tài chính, giúp cho DN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất.

USAID LinkSME được thực hiện trong 5 năm (2018-2023) với tổng kinh phí 24,9 triệu USD. Trên cơ sở phối hợp với Chính phủ Việt Nam, dự án hướng tới đạt được các kết quả như: Môi trường kinh doanh được cải thiện, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của SME, cũng như khả năng tương tác giữa Chính phủ và DN hiệu quả nhờ hiện đại hóa và số hóa; giúp các SME thiết lập các kết nối mới và quan hệ cung ứng với các DN đầu chuỗi thông qua các đơn đặt hàng, hợp đồng cung ứng lâu dài; giúp các SME đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và tiếp cận nguồn tài chính nhờ sự hỗ trợ của dự án và các đối tác.

Trong năm 2021, USAID LinkSME đang triển khai nhiều chương trình đào tạo để giúp cho DN nâng cao năng lực quản trị tài chính. Theo đó, phối hợp cùng các ngân hàng xây dựng đội ngũ chuyên gia để hỗ trợ trực tiếp các DN khi họ cần chuẩn bị các hồ sơ vay vốn, hoặc hỗ trợ DN cấu trúc lại khoản vay trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Cùng với đó, dự án đẩy mạnh các hoạt động, sự kiện kết nối với các nguồn tài chính để DN có thể tiếp cận được nhiều thông tin hơn từ các quỹ tín dụng.

Dưới góc độ ngân hàng, đại diện BIDV cho biết, từ năm 2019, khi Quỹ SMEDF chuyển sang hình thức cho vay gián tiếp tại các ngân hàng thương mại, BIDV là ngân hàng đầu tiên được quỹ lựa chọn triển khai chương trình để hỗ trợ SME hiện thực hóa các ý tưởng, mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh.

BIDV và Dự án USAID LinkSME cũng đã ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ kết nối tài chính nói chung, đặc biệt thúc đẩy việc tham gia giải ngân dự án theo chương trình quỹ hỗ trợ SME, trên cơ sở hợp tác đa phương.

Đại diện BIDV nêu một số điểm cần lưu ý với DN để tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng hơn.

Trước tiên, DN cần minh bạch hóa tài chính, như hoạt động tài chính, kinh doanh của DN cần được công khai, hợp tác với ngân hàng trong việc trao đổi thông tin. Để chuẩn bị vay vốn, DN cần có phương án kinh doanh rõ ràng, khả thi, trong đó, DN phải hiểu rõ về mục đích cho khoản vay đang mong muốn. Tùy nhu cầu của DN, tất cả mục đích vay vốn cần được liệt kê minh bạch, chi tiết.

DN cần kiểm soát tốt dòng tiền hoạt động kinh doanh, trả nợ ngân hàng và xây dựng lịch sử tín dụng tốt, vì đây là cơ sở để BIDV đánh giá mức độ tín nhiệm DN, am hiểu quy định về sản phẩm, chương trình tín dụng của ngân hàng để có thể tham gia các chương trình tín dụng đúng đối tượng, đúng mục tiêu, tận hưởng chính sách lãi suất ưu đãi.

Nguồn: baochinhphu.vn


Tin - Bài khác
Giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng
Phục hồi và phát triển gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế
Giải quyết các kiến nghị để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch
Tháo gỡ khó khăn các công trình nông nghiệp quan trọng
Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025
Giải ngân vốn ODA: Cần sự hài hòa về thủ tục với các nhà tài trợ
Kinh tế vĩ mô ổn định: Nền tảng cho kỳ vọng phục hồi
Cần giải pháp phù hợp, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài
Kinh tế vĩ mô ổn định: Nền tảng cho kỳ vọng phục hồi
Ngành du lịch trước khí thế mới để mở cửa an toàn
Trang 1 trong 17Đầu tiên    Trước   [1]  2  3  4  5  6  7  8  9  10  Tiếp   Cuối    
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 :: Trang chủ  :: Sơ đồ Web  :: Liên hệ  :: 
Trang tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận
Giấy phép: số 126/GP-TTĐT ngày 29/6/2011 của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông