Đăng Ký :: Đăng Nhập  :: Trang chủ  :: Sơ đồ Web  :: Liên hệ   Tìm Kiếm   
  20 Tháng Tư 2024 ..:: Tin tức - Sự kiện » Tin trong nước ::..

 

Người dùng trực tuyến
People Online Thành viên online:
Visitors Khách: 71
Members Thành viên: 0
Total Users Tổng cộng: 71

Số lượt truy cập

48.754.660

 Xem chi tiết
Tạo thuận lợi tối đa gia hạn thuế để DN, hộ kinh doanh ‘hồi sức’
(Cập nhật: 21/06/2021 15:29:22)

Toàn cảnh buổi toạ đàm . Ảnh:VGP/Nhật Bắc

Đây là ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi tại tọa đàm: “Tạo thuận lợi cho DN được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 17/6 tại Hà Nội.

DN không nên để dồn vào một thời điểm

Đánh giá về ý nghĩa và tác động Nghị định 52, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, điều tra của VCCI về tác động của các chính sách hỗ trợ đối với DN để vượt qua khủng hoảng có nêu 2 kết quả đáng chú ý. Thứ nhất, các DN đều đánh giá giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất là dễ dàng tiếp cận nhất so với các chính sách khác như vay vốn, lãi suất không đồng, bảo hiểm… Thứ hai, đa số DN cho rằng chính sách giãn, hoãn này tác động hữu ích đối với hoạt động kinh doanh của DN, tạo ra cơ cấu dòng tiền, tạo thêm năng lực cho DN trong việc cầm cự trong thời gian tạm ngừng sản xuất, kinh doanh.

“Tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ. Rất nhiều vướng mắc, khó khăn của DN trong năm trước đã được cân nhắc, tiếp thu và được hoàn thiện trong Nghị định 52”, ông Phan Đức Hiếu nói.

Nghị định 52 rất đúng đắn, tuy nhiên, khi triển khai trong thực tế, một số DN vẫn có băn khoăn, chủ yếu do bối cảnh tác động tiêu cực do dịch.

Chẳng hạn, khi cơ quan thuế chấp nhận đề nghị gia hạn không có phản hồi, giả sử sau này DN sai về đối tượng hay nội dung, thì theo nguyên tắc DN tự chịu trách nhiệm, và nếu sai sẽ bị thanh tra và bị truy thu thuế. 

Do đó, “đề nghị gia hạn thuế có giá trị pháp lý như thế nào? Nếu được hưởng chính sách này, sau đó cơ quan thuế lại thanh tra, mà có sai sót gì trong việc thực hiện thủ tục và bị nộp phạt thuế, hoặc bị truy thu thuế, thì rất khó khăn cho DN. Điều này cần thật rõ ràng để DN thông tư tưởng”, ông Phan Đức Hiếu nêu ý kiến.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) cho rằng, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, DN phải lường trước được, phải chuẩn bị dòng tiền để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Nghị định 52 đã có thiết kế để giãn cách thời hạn thanh toán, không để dồn cục tất cả vào tháng 12. Ví dụ thuế giá trị gia tăng (GTGT) của tháng 3 sẽ được gia hạn 5 tháng, thì tháng 9 sẽ phải nộp thuế, thuế GTGT tháng 4 thì tháng 10 nộp thuế… chứ không phải tất cả nộp trong tháng 12.

Hoặc như tiền thuê đất, nếu tiền thuê đất đợt một phải nộp vào ngân sách Nhà nước (NSNN) vào ngày 31/5 thì được thiết kế là gia hạn 6 tháng, có nghĩa đến 31/11 mới phải đóng.

“Chúng ta thấy được sự giảm tải tập trung thanh toán tại một thời điểm, giúp người nộp thuế chủ động hơn”, bà Nguyễn Thị Thu Hà khuyến nghị các DN.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết thêm, Nghị định 52 cũng thiết kế danh mục ngành hàng mà người nộp thuế sẽ tự soi vào đấy để xác định mình thuộc ô nào và tự tích vào đấy: “Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế của người nộp thuế có tính chất pháp lý, có hiệu lực để áp dụng chính sách gia hạn nộp thuế cho người nộp thuế”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết thêm: Nghị định 52 được thiết kế theo hình thức một giấy đề nghị gia hạn nộp thuế sẽ áp dụng cho nhiều mục đích, như áp dụng cho nhiều loại thuế và nhiều khoản thu khác nhau, nộp một kỳ nhưng được áp dụng nhiều kỳ. Ngành thuế có trách nhiệm trao đổi thông tin nội bộ, người nộp thuế không phải gửi tờ giấy đề nghị đến nhiều cơ quan thuế khác nhau.

Kỳ vọng hỗ trợ đến đúng địa chỉ

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam bày tỏ quan điểm, chính sách hỗ trợ phải quan tâm đến kết quả là đối tượng thụ hưởng phải được hưởng nhiều nhất.

Hiệp hội DNNVV đã có đề án, báo cáo đề nghị áp dụng những chính sách có tính chất đột phá và lâu dài cho khu vực này. “Trong đó, chúng tôi có đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho khu vực DN này nộp thuế thu nhập DN từ 2-3% doanh thu của năm đối với các DN có doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm, đồng thời bãi bỏ, miễn giảm cho một số thủ tục mở sổ sách kế toán trong khu vực này. Đối với Nghị định 52, chúng tôi đề nghị kéo dài thời gian kê khai thêm 6 tháng nữa, tương ứng như vậy thời hạn nộp thuế sẽ kéo dài tương ứng với thời gian kê khai để phát huy hết ý nghĩa hỗ trợ của Chính phủ, của Nhà nước với cộng đồng kinh doanh đang gặp khó khăn”, ông Tô Hoài Nam đề xuất ý kiến.

Ông Tô Hoài Nam cũng đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là “lấy người dân và DN làm trung tâm, phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật”.

Đây là thông điệp rất dễ cảm nhận với người dân, DN từ người đứng đầu Chính phủ. Điều đó hàm chứa quan điểm chỉ đạo điều hành công bằng, công khai, minh bạch. Đồng thời, hàm chứa cả quyết tâm dám chấp nhận thực tiễn, kể cả những hạn chế của Chính phủ, nhìn thẳng vào thực tiễn, điều này rất có lợi trong hoạch định chính sách.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Đức Hiếu góp ý với các DN, cần chuẩn bị kĩ lưỡng về các biện pháp để xác định khoản thuế nào định giãn, giãn đến bao lâu và phải coi đây là một phần chiến lược kinh doanh của DN. Để nghĩ thật, nói thật, làm thật, thì hiệp hội phải hỗ trợ DN rất nhiều trong việc đưa ra quyết định này, ngoài hỗ trợ về mặt thủ tục, còn cần trợ giúp cả về mặt nội dung, chuyên môn, giảm thiểu các rủi ro pháp lý sau này.

Đưa ra khuyến nghị chính sách, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần tính toán kịch bản xấu nhất, đó là dịch vẫn còn tiếp diễn phức tạp và tác động đến cộng đồng DN đến cuối năm. Chúng ta phải nghĩ ngay đến biện pháp nếu như tác động của dịch bệnh còn kéo dài thì việc tiếp tục thực hiện Nghị định 52, hay những khoản thuế đã được gia hạn có nên tiếp tục gia hạn hay không.

“DN cần biết rất rõ để họ xây dựng chiến lược kinh doanh. Nếu như ngay từ bây giờ DN có phương hướng thì họ có thể sẵn sàng tiếp nhận và xây dựng chiến lược kinh doanh một năm tới, phát huy tốt hơn tác động của Nghị định này”, ông Phan Đức Hiếu nói.

Ông Phan Đức Hiếu cũng bày tỏ, nên chăng, trong thời gian tới cần tính đến biện pháp miễn giảm thuế để giảm gánh nặng cho DN. Ví dụ giảm một phần nào đó nghĩa vụ về thuế, hay có thể xem xét miễn giảm thuế GTGT cho các vật tư, thiết bị phòng chống dịch, như vậy sẽ hỗ trợ thiết thực cho DN, người dân vượt qua đại dịch, thực hiện thành công mục tiêu kép do Chính phủ để ra.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, việc gia hạn thuế kéo dài hay không cần tính đến vấn đề cân bằng giữa các chính sách. Tổng cục Thuế ghi nhận ý kiến góp ý từ đại diện Hiệp hội DNNVV và các chuyên gia.

Để các chính sách đi vào cuộc sống nhiều hơn, cơ quan thuế đã tuyên truyền sâu rộng và hỗ trợ người nộp thuế rất cụ thể bằng nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện truyền thông như đài phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo điện tử. Cơ quan thuế các cấp còn tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử của ngành, tuyên truyền qua các kênh thông tin của mạng xã hội, gửi email đến người nộp thuế...

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết thêm, từ năm 2020, ngành thuế đã đẩy mạnh giao tiếp với cơ quan thuế qua hình thức điện tử trong chiến dịch chung của Chính phủ là thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

“Việc các cá nhân, hộ gia đình thực hiện các thủ tục thuế qua phương thức điện tử đã có sự thay đổi rõ rệt, nhưng hiện vẫn chưa thể như các DN. Cơ quan thuế thường khuyến nghị người nộp thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia để thực hiện các thủ tục thuế điện tử thay vì đến cơ quan thuế”, bà Nguyễn Thị Thu Hà lưu ý.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế tại dự thảo Nghị định là 115.000 tỷ đồng. 

Về kết quả triển khai, tính đến hết tháng 5 vừa qua, số tiền gia hạn theo Nghị định 52 ước tính đạt hơn 21.000 tỷ đồng. Trong đó, thuế GTGT là 10.600 tỷ đồng, thuế thu nhập DN là 6.000 tỷ đồng, tiền thuê đất là 4.100 tỷ đồng thuế GTGT và thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh 300 tỷ đồng.

 


Nguồn: baochinhphu.vn


Tin - Bài khác
Tăng cường bảo mật trong thanh toán điện tử
5 tháng đầu năm, FDI chiếm gần 70% giá trị xuất khẩu
Tháng 5: Gia hạn được 10.500 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất
Ngày 1/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã ký ban hành văn bản về việc miễn phí chuyển tiền ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Nâng cao năng lực xuất khẩu cho các DN do phụ nữ làm chủ
Xuất khẩu rau quả tăng mạnh
Cần làm gì để hàng triệu tỷ đồng vốn đầu tư công phát huy tối đa hiệu quả?
Cương quyết xóa bỏ ‘xin-cho’, tạo khí thế, quyết tâm mới trong đầu tư phát triển
Rút ngắn thời gian cho vay quá hạn
Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030
Trang 3 trong 14Đầu tiên    Trước   1  2  [3]  4  5  6  7  8  9  10  Tiếp   Cuối    
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 :: Trang chủ  :: Sơ đồ Web  :: Liên hệ  :: 
Trang tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận
Giấy phép: số 126/GP-TTĐT ngày 29/6/2011 của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông