Đăng Ký :: Đăng Nhập  :: Trang chủ  :: Sơ đồ Web  :: Liên hệ   Tìm Kiếm   
  20 Tháng Tư 2024 ..:: Tin tức - Sự kiện » Tin trong nước ::..

 

Người dùng trực tuyến
People Online Thành viên online:
Visitors Khách: 76
Members Thành viên: 0
Total Users Tổng cộng: 76

Số lượt truy cập

48.754.693

 Xem chi tiết
Tìm giải pháp để “Ngôi sao đang lên” Việt Nam tối ưu cơ hội đầu tư sau đại dịch COVID-19
(Cập nhật: 08/09/2020 16:01:16)

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu NHNN. Ảnh:VGP.

Hội nghị thu hút sự tham dự của lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp (DN) quốc tế đến từ châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ. Được biết, Hội nghị trực tuyến lần này là sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động tập trung vào ASEAN của Ngân hàng Standard Chartered, khởi đầu là Diễn đàn Kinh doanh ASEAN Standard Chartered 2020 được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 4.700 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới. 

Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn khiến cho các tập đoàn, DN quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế cao.

Hơn nữa, đại dịch COVID19 và các hệ quả nặng nề của nó đã khiến các quốc gia và các tập đoàn, DN quốc tế đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu đầu tư nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia và một đối tác.

Nhiều nước trên thế giới đã ban hành chính sách ưu đãi, gói hỗ trợ mạnh mẽ để giữ chân cũng như lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài. Nhận thức đây là thời cơ ngàn năm có một, Việt Nam đã và đang tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư như, chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất, mặt bằng, nhà xưởng, năng lượng, xây dựng các gói ưu đãi đặc biệt áp dụng cho các dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, tạo điều kiện cho DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị…

Việt Nam cũng nỗ lực chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực có chất lượng, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật vào Việt Nam làm việc;  đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để triển khai các hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư và tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư vào Việt Nam.

“Trong thời gian tới, Việt Nam thực hiện chính sách chủ động thu hút FDI, hợp tác đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án có chất lượng; quy mô vốn lớn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan tỏa, có cam kết tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao gắn với hợp tác đào tạo nhân lực…”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT nêu quan điểm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh:VGP.

Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng nhấn mạnh, trong hơn 20 năm qua, Việt Nam luôn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và các chính sách theo hướng tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và quản lý khu vực ngân hàng, NHNN luôn chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo ổn định vĩ mô, ổn định tiền tệ, tỷ giá, và phát triển lành mạnh một khu vực ngân hàng có khả năng chống chịu cao và kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế, qua đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các mọi thành phần kinh tế, bao gồm nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây những tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế xã hội, Chính phủ và NHNN đã có các giải pháp nhằm linh hoạt, kịp thời ứng phó để giảm thiểu tác động tiêu cực và khi được, biến thách thức thành cơ hội.

Về phía NHNN, từ đầu năm đến nay, NHNN đã có những bước đi đúng đắn, kịp thời cả trong điều hành chính sách tiền tệ, thanh toán và quản lý khu vực ngân hàng.

NHNN đã hai lần giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, giảm trần lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho cả tổ chức tín dụng lẫn người vay được tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp hơn. NHNN tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, điều hành tỷ giá chủ động và linh hoạt phù hợp với cung cầu thị trường; chủ động truyền thông để giữ vững niềm tin của công chúng; ban hành khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, miễn giảm các phí dịch vụ thanh toán; tiếp tục các nỗ lực cải cách và thanh tra giám sát khu vực ngân hàng nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của hệ thống.

Trước những thách thức và cơ hội đặt ra cho nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và môi trường đầu tư, thương mại toàn cầu có nhiều biến động, NHNN sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào công tác dự báo, xây dựng và cập nhật những kịch bản có thể xảy ra và triển khai các hành động chính sách phù hợp để một mặt hỗ trợ tăng trưởng, mặt khác đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo môi trường đầu tư lành mạnh, hiệu quả cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.

Riêng về hệ thống ngân hàng, lãnh đạo NHNN cho hay, trong giai đoạn 2021-2025, NHNN sẽ tiếp tục đặt ưu tiên cho việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ-ngân hàng, cụ thể như sửa đổi Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD), Luật Bảo hiểm tiền gửi, bổ sung một số quy định mới…tạo thuận lợi cho các TCTD cung ứng đầy đủ đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, đổi mới theo hướng chuyển nhanh và mạnh từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra giám sát trên cơ sở rủi ro, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu. Ảnh:VGP.

“NHNN sẽ tiếp tục điều hành nhằm đảm bảo môi trường vĩ mô ổn định, tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhưng vẫn tập trung đảm bảo chất lượng, an toàn hoạt động và an toàn tài chính”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.

Dưới góc độ một tập đoàn quốc tế, ông C. K. Tong, Tổng Giám đốc BW Industrial Development góp ý, Việt Nam có lợi thế về tốc độ tăng trưởng so với nhiều nước trong khu vực, nhưng để thu hút FDI hiệu quả hơn, Việt Nam cần chú trọng nhiều đến cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng tính kết nối như cao tốc Bắc -Nam, các đầu mối cangr biệt, chất lượng giao thông, phát triển các cụm công nghiệp tại địa phương.

Ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, chia sẻ, với những yếu tố nền tảng mạnh mẽ như dân số trẻ, năng động và am hiểu công nghệ, thị trường nội địa đang phát triển, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và một nền kinh tế mở, Việt Nam tiếp tục mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Nhiều công ty khởi nghiệp và các tập đoàn đa quốc gia đã thiết lập hoạt động tại Việt Nam nhằm tận dụng khoảng cách địa lý gần và khả năng kết nối với ASEAN để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

“Đại dịch COVID-19 có thể sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa, tuy nhiên, điều đó không nên ngăn cản chúng ta kiếm các cơ hội và đưa ra những chiến lược mới để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam.” ông Nirukt Sapru bày tỏ tin tưởng.

Huy Thắng

Nguồn: baochinhphu.vn


Tin - Bài khác
Hàng hoá qua cảng biển tăng trở lại
Hiến kế cải cách giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh
Vì sao đề xuất đưa hộ kinh doanh vào Luật?
Hướng dẫn triển khai gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất
Chính thức đề xuất miễn, giảm phí bảo trì đường bộ cho DN vận tải
EVFTA: Muốn phóng trên 'cao tốc' thì phải làm tốt 'đường gom', 'lối mở'
Tháo gỡ vướng mắc về sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài
Chính phủ nỗ lực phục vụ, doanh nghiệp cần tích cực hưởng ứng
Thủ tướng: Việt Nam cần vượt lên nhanh trong trạng thái bình thường mới
Giúp doanh nghiệp vượt thách thức, đón thời cơ
Trang 8 trong 9Đầu tiên    Trước   3  4  5  6  7  [8]  9  Tiếp   Cuối    
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 :: Trang chủ  :: Sơ đồ Web  :: Liên hệ  :: 
Trang tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận
Giấy phép: số 126/GP-TTĐT ngày 29/6/2011 của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông