Đăng Ký :: Đăng Nhập  :: Trang chủ  :: Sơ đồ Web  :: Liên hệ   Tìm Kiếm   
  25 Tháng Tư 2024 ..:: Tin tức - Sự kiện » Tin trong nước ::..

 

Người dùng trực tuyến
People Online Thành viên online:
Visitors Khách: 133
Members Thành viên: 0
Total Users Tổng cộng: 133

Số lượt truy cập

48.808.757

 Xem chi tiết
DN cần dám làm mới mình để thích nghi kịp thời giai đoạn hậu COVID-19
(Cập nhật: 06/07/2020 10:56:06)

Toàn cảnh diễn đàn.

Tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI - ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, thực tiễn chỉ ra rằng, động lực lớn nhất của tăng trưởng là cải cách thể chế, dư địa lớn nhất cũng là cải cách thể chế. Năm 2016 có làn sóng xóa bỏ điều kiện kinh doanh trong thông tư của bộ, ngành. Đây là làn sóng cắt giảm điều kiện kinh doanh đầu tiên. Làn sóng cắt giảm điều kiện kinh doanh thứ hai là xóa bỏ 50% điều kiện kinh doanh trong năm 2018.

Năm nay, VCCI và các đơn vị liên quan đang khởi động làn sóng cắt 20% điều kiện kinh doanh để đưa môi trường kinh doanh vào nhóm 4 ASEAN. 

Chủ tịch VCCI cũng thông tin thêm rằng, trong các phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương cũng như một số hội thảo khác, Chính phủ đều thể hiện quan điểm mức nợ công và thâm hụt ngân sách phải được duy trì ở mức cao hơn. 

“Đây là những chỉ số mà những năm qua chúng ta đã cố kéo xuống nhưng giờ là lúc chúng ta có thể xem xét làm ngược chu kỳ, tức là nâng cao nợ công để ổn định nền kinh tế. Đây là thời điểm Việt Nam phải tiến hành chính sách tài khóa linh hoạt hơn”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Với việc mở cửa thị trường, Chủ tịch VCCI cho biết, Chính phủ khẳng định quá trình mở cửa từng bước với nền kinh tế cần phải được tiến hành thận trọng. Đồng thời, ngay chính trong quá trình hỗ trợ DN phục hồi hậu COVID-19, Chính phủ sẽ phải tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của DN.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, vừa qua, Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy đầu tư nước ngoài để đón sóng đầu tư nước ngoài, đây là điểm tựa cho DN trong quá trình sản xuất kinh doanh.

“Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã ban hành để hỗ trợ DN, đặc biệt tiếp tục tính đến hỗ trợ các lĩnh vực có tiềm năng là du lịch, hàng không hay các dự án có tiềm năng nhưng chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19”, Chủ tịch VCCI cho hay.

Phân tích về kinh tế vĩ mô, chuyên gia Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT (hàm Phó Tổng Giám đốc) Ngân hàng TMCP BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho biết, COVID-19 là cuộc khủng hoảng tác động cả cung và cầu. Về phía cung, các DN nhất là dệt may-da giày mất ngay nguồn cung trong những tháng đầu tiên của dịch bệnh. Về phía cầu, nhu cầu rất yếu.

Nhìn lại con số thống kê, GDP 6 tháng năm 2020 của Việt Nam tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Trong đó, dịch vụ tăng trưởng thấp. Bán lẻ, du lịch, lưu trú-ăn uống, vận tải-kho bãi, dịch vụ bất động sản phục hồi chậm. Xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, trong đó xuất khẩu giảm 1,1%, nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ…

Tuy nhiên, một số chỉ số như nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo và xây dựng phục hồi tốt. Giải ngân đầu tư công tăng 20% so với cùng kì năm trước, sự quyết liệt của Chính phủ đã đưa đến kết quả khả quan.

Tình hình FDI vào Việt Nam dù giảm 15% nhưng vẫn khả quan nếu so với mức các nước mới nổi khác (giảm khoảng 40%).

Đưa ra khuyến nghị chung với Việt Nam, chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định, cần tận dụng cơ hội thu hút có sàng lọc đầu tư nước ngoài; kích cầu tiêu dùng nội địa; phát triển kinh tế số, kinh doanh số và Chính phủ điện tử. Cần đẩy mạnh cải cách thể chế và môi trường kinh doanh lúc nào cũng quan trọng và năm nay càng quan trọng.

Với DN, chuyên gia Cấn Văn Lực đúc kết, DN cần phải đổi mới mô hình kinh doanh. Đồng thời kết nối, xác lập và chủ động định vị trong chuỗi giá trị. Với mô hình 5 chữ R: Respond (ứng phó với đại dịch), Recover (phục hồi); Re-invent (đổi mới, sáng tạo trong mô hình/chiến lược kinh doanh); Restructure (tái cơ cấu) và Resilience (tăng khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài), trong đó, đặc biệt DN cần đáp ứng ít nhất 3 yếu tố đầu tiên.

Ở góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Đình Vinh - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, dịch COVID-19 với những diễn biến phức tạp và khó lường đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng COVID-19 cũng là dịp để các DN tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi đột phá phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn, đón đầu những xu hướng kinh doanh mới.

Lãnh đạo VietinBank đưa ra nhận định, hiện có 3 xu hướng mới đang diễn ra. 

Thứ nhất, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư: Hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua. Đây là cơ hội “vàng” để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam.

Thứ hai là xu hướng mới trong thị hiếu tiêu dùng, tác động từ dịch COVID-19 tạo ra thay đổi về cầu đối với một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như chế biến thực phẩm; y tế, hoá dược phẩm, chuyển đổi số, e-logistics…; đem lại cơ hội thị trường mới cho các DN Việt Nam có thể tận dụng để tái cơ cấu, hình thành các chuỗi giá trị mới và phát triển bứt phá.

Thứ ba là xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng, thời điểm này cũng là dịp để các DN Việt Nam có thể tập trung đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; đồng thời thúc đẩy liên kết, mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng…

Đưa ra lời khuyên với DN, chuyên gia Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng DN cần tìm kiếm cơ hội kinh doanh, gắn với thị trường, với hội nhập quốc tế.

Ông Võ Trí Thành nhấn mạnh, để sáng tạo sản phẩm mới và truyền thông bán hàng tốt, cần đáp ứng xu hướng phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội cùng cuộc cách mạng tiêu dùng xanh, thông minh, nhân văn, biểu tượng và cá tính.

Đồng thời, chuyển đổi marketing 4P (Product, Price, Place, Promotion), 4C (Customer Solution, Costunmer Cost, Convenience, Communication), 4C tăng cường (Co-creation, Currency, Communal Activation, Conversation).

Đặc biệt, DN không chỉ bán cái thị trường cần mà phải biết cả tạo dựng thị trường. Ngoài ra, phải thay đổi kỹ năng và ứng xử người lao động, đối diện với lựa chọn thay đổi để có việc làm mới hay bị bỏ lại phía sau.

“Đôi khi cái giá phải trả cho sự thay đổi thấp hơn nhiều so với cái giá phải trả khi không kịp thay đổi”, ông Võ Trí Thành dẫn ra một triết lý khá nổi tiếng của các chuyên gia trên thế giới.

 


Anh Minh

Nguồn: baochinhphu.vn


Tin - Bài khác
Thống đốc Lê Minh Hưng: Tín dụng tăng trở lại, ngoại hối cao nhất từ trước tới nay
Quy mô dự án FDI tăng nhưng làn sóng dịch chuyển vẫn chưa rõ
Kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
Đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
EVFTA: Cơ hội cho xuất khẩu nông sản
Xuất nhập khẩu nửa đầu năm: Tác động tích cực của xuất siêu
Đối thoại với DN châu Âu: Lắng nghe khó khăn, tìm kiếm sáng kiến cải cách
Doanh nghiệp cần đảm bảo quy định khi xuất khẩu sang Trung Quốc
Ảnh hưởng do COVID-19, GDP 6 tháng vẫn tăng
Thúc đẩy gắn kết kinh tế ASEAN
Trang 1 trong 8Đầu tiên    Trước   [1]  2  3  4  5  6  7  8  Tiếp   Cuối    
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 :: Trang chủ  :: Sơ đồ Web  :: Liên hệ  :: 
Trang tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận
Giấy phép: số 126/GP-TTĐT ngày 29/6/2011 của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông