Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, thông điệp quan trọng nhất trong Nghị quyết 01 của Chính phủ là “chủ động thích ứng” bởi tình hình trong năm 2022, kể cả về dịch bệnh cũng như nền kinh tế toàn cầu, còn rất nhiều yếu tố bất trắc. Ảnh internet
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 vừa được Chính phủ ban hành đã thu hút được sự quan tâm của các học giả, chuyên gia kinh tế.
Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, thông điệp quan trọng nhất trong Nghị quyết 01 của Chính phủ là “chủ động thích ứng” bởi tình hình trong năm 2022, kể cả về dịch bệnh cũng như nền kinh tế toàn cầu, còn rất nhiều yếu tố bất trắc.
Về dịch bệnh, có thể sự xuất hiện của biến chủng Omicron sẽ là tiền đề để chấm dứt đại dịch (theo nhận định của chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới) nhưng vẫn có khả năng xuất hiện biến chủng khác nguy hiểm hơn.
Về kinh tế, cho dù dịch bệnh trên toàn cầu diễn biến ở mức độ nào đi nữa thì các chính sách giãn cách của các quốc gia khác nhau vẫn bị “lệch pha”, dẫn tới việc đứt gẫy trong chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn sẽ tiếp diễn. Giá cả ở các nước vẫn ở mức cao thì sớm muộn gì cũng sẽ ảnh hưởng đến nước ta.
Thách thức ở đây là, nếu dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế toàn cầu phục hồi thì sự phục hồi đó có thể làm tăng sự đứt gãy chuỗi cung ứng bởi sự phục hồi trong thời gian qua đến từ phía cầu, nhu cầu hàng hóa tăng lên thì sẽ gây tình trạng khan hiếm hàng hóa.
Ngược lại, nếu dịch bệnh trở nên phức tạp thì sẽ là thách thức trong việc giãn cách xã hội, khiến đà tăng trưởng sẽ lại bị đứt gãy. Trong bối cảnh đó, lại thêm một sự bất trắc nữa, đó là những động thái về thay đổi hướng điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ. Vừa rồi, Fed đã ra một thông điệp, đó là giảm mạnh hơn việc bơm tiền ra nền kinh tế để có thể kết thúc việc bơm tiền vào cuối tháng 3 và bắt đầu lộ trình tăng lãi suất có thể là 3 lần trong năm nay.
Tóm lại, thông điệp quan trọng mà Nghị quyết 01 đưa ra là chủ động thích ứng, tức là chúng ta phải linh hoạt với tình hình mới - chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Thẩm Dương cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng đóng vai trò dẫn đường, đề ra định hướng để phát triển kinh tế xã hội từ 2021-2025. Trong năm 2022, để triển khai một phần trong chiến lược 5 năm đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 với 6 trọng tâm, 12 giải pháp.
Về 6 trọng tâm chỉ đạo, Nghị quyết của Chính phủ chia các trọng tâm này làm 2 nhóm, rất rõ về mặt ý đồ. Một nhóm liên quan tới tư tưởng điều hành, một nhóm liên quan đến nhiệm vụ của việc điều hành ấy.
“Trong đó, chúng ta thấy nổi bật lên rất rõ hai nhiệm vụ, thứ nhất là trụ vững trong khủng hoảng. Ở nhiệm vụ trụ vững trong khủng hoảng này, Nghị quyết nhấn mạnh đến việc ‘trụ’ COVID-19, tức là tiếp tục các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, thứ hai là ‘trụ’ nền kinh tế để nó đứng vững”, ông Lê Thẩm Dương cho biết.
TS. Lê Thẩm Dương đánh giá, trọng tâm mà Nghị quyết đưa ra rất rõ, rất gọn, đủ liều lượng cho nguồn lực của một năm và cũng rất “trúng”. “Trúng” ở chỗ, ngoài việc trụ vững thì chúng ta có chiến lược phát triển, tức là Nghị quyết chứa đựng tầm phát triển, chứa sức bật sau khủng hoảng để yểm trợ cho năm 2023.
Cùng chung quan điểm này, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Nghị quyết 01 thể hiện tính quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế cho 2 năm, chứ không chỉ là cho năm 2022, mà cả năm 2023 nữa.
Hoàn thiện thể chế để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm
Ông Lê Thẩm Dương đánh giá, 12 giải pháp được Chính phủ đưa ra đi vào trọng tâm và đủ “liều lượng”. Trong đó, 3 giải pháp đầu tiên là quan trọng nhất, nếu thực hiện được 3 giải pháp này thì sẽ giúp cho những giải pháp còn lại có thể yểm trở để hoàn thành nhiệm vụ.
Ở giải pháp đầu tiên, năm nay chúng ta có thể thực hiện được dễ dàng hơn năm 2021, đó là việc phòng, chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế. Năm 2022, chúng ta ở vào thế chủ động hơn khi đối phó với dịch bệnh.
Giải pháp thứ 2 trong Nghị quyết, theo TS. Lê Thẩm Dương, không phải ngẫu nhiên, mà Chính phủ đặt nó ở vị trí thứ hai, đó là hoàn thiện thể chế. Đây luôn là một vấn đề “ngáng đường”, cản trở kinh tế phát triển.
Giải pháp thứ 3 là cơ cấu lại nền kinh tế. Nếu chúng ta giải quyết được 3 giải pháp này thì sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế, còn tất cả những giải pháp về sau mang tính chiến thuật nhiều hơn, bổ trợ cho 3 giải pháp đầu tiên.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, 2 nhiệm vụ đầu tiên mang tính chất dẫn đường: Thứ nhất, đó là thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở chủ động, có đầy đủ nguồn lực, kể cả tài chính lẫn con người, để có thể thích ứng một cách linh hoạt đối với những tình huống dịch.
Thứ hai là, phải giải quyết được những ách tắc về mặt thể chế, cơ chế chính sách và tổ chức thực thi, thi hành pháp luật. Chúng ta có thể kiểm soát được dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi tăng trưởng kinh tế, nhưng đối với chính sách được đưa ra trên giấy, nếu bị tắc trong cơ chế thực thi thì sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ được.
Với những nỗ lực của Chính phủ, các chuyên gia kinh tế đều bày tỏ niềm tin chắc chắn rằng, năm 2022, chúng ta sẽ đạt được những chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra, đó là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%, GDP bình quân bình quân đầu người đạt 3.900 USD…
“Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là việc đạt được những chỉ tiêu này có tính chất nền tảng, tức là không chỉ dừng lại ở con số, mà cái chúng ta đạt được là sự chứa đựng một động lực để phát triển thành quả ấy lớn hơn gấp nhiều lần. Năm 2022, như tôi đã đề cập ở trên, chúng ta ‘trụ’ được COVID-19, ‘trụ’ được nền kinh tế thì sẽ tạo tiền đề phát triển cho các năm sau nữa”, ông Lê Thẩm Dương bày tỏ.
Vũ Phong
Nguồn: Chinhphu.vn
|