Với việc áp dụng linh hoạt đồng bộ các giải pháp giảm lãi suất, cơ cấu nợ cho khách hàng và phục vụ nhiệm vụ chính trị… vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh có lợi nhuận để đảm bảo đời sống cho CBCNV. Agribank chi nhánh Bình Thuận đã nỗ lực “chèo chống” vượt qua khó khăn. Nhân dịp đầu năm, phóng viên Báo Bình Thuận đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Hữu Câu - Giám đốc Agribank chi nhánh Bình Thuận…
Thưa ông năm 2021, rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó nhiều khách hàng đang vay vốn của Agribank để sản xuất kinh doanh nhưng bị ảnh hưởng, Agribank đã thực hiện các biện pháp gì để giúp khách hàng?
Ông Nguyễn Hữu Câu: Ngoài các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn, Agribank chi nhánh Bình Thuận đã thực hiện một số chính sách tín dụng hỗ trợ khách hàng như: Cho vay gói ưu đãi hỗ trợ lãi suất 5%/năm cho các khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 với tổng dư nợ được hỗ trợ trên 500 tỷ đồng. Cho vay ưu đãi các khách hàng xuất nhập khẩu với lãi suất không quá 4.5%/năm với dư nợ gần 52 tỷ đồng. Miễn giảm lãi đồng loạt cho toàn bộ các khách hàng với mức giảm 10% so với lãi suất hiện hành với số tiền được miễn giảm lãi là 114 tỷ đồng. Cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng dư nợ là gần 1.000 tỷ đồng.
Agribank được đánh giá là ngân hàng đứng đầu thực hiện các chính sách Nhà nước về hỗ trợ cho khách hàng. Vậy việc hỗ trợ có làm ảnh hưởng đến hiệu quả - tăng trưởng của chi nhánh?
Agribank chi nhánh Bình Thuận đã dùng nhiều gói hỗ trợ cho khách hàng bị Covid-19 nên nó cũng ảnh hưởng đến tài chính của chi nhánh. Việc hỗ trợ này giúp nhiều doanh nghiệp và cá nhân khắc phục được những khó khăn và từng bước ổn định sản xuất.
Năm 2022, bước vào giai đoạn “bình thường mới”, nhiều đơn vị kinh doanh sản xuất kỳ vọng sẽ tăng tốc phát triển kinh tế, trong đó phải nhờ đến nguồn vốn vay từ ngân hàng, Agribank có kế hoạch gì để vừa hỗ trợ khách hàng vừa đảm bảo tăng trưởng cho ngành?
Bám sát các chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ, Nhà nước và Agribank, Agribank chi nhánh Bình Thuận tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn như: ưu đãi về lãi suất, cơ cấu nợ... Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với phân khúc khách hàng nông nghiệp, nông thôn, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng có khả năng phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ và bán chéo sản phẩm.
Đồng thời chi nhánh chủ động tiếp cận, mở rộng quan hệ và hợp tác với các khách hàng tiềm năng tại các khu du lịch, công nghiệp, sân bay… gắn tăng trưởng tín dụng với huy động vốn và phát triển sản phẩm dịch vụ. Hỗ trợ vốn giúp khách hàng phát triển sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy nền kinh tế tỉnh Bình Thuận phát triển tăng tốc trong giai đoạn “bình thường mới”.
Xin cảm ơn ông!
TRẦN THI (THỰC HIỆN)
Nguồn: BTO
|